Theo nghiên cứu hiện đại, trong quả sấu có tới 80% là nước, 1% axit hữu cơ, 1,3% proteine, 8,2% gluxit… và chứa nhiều vitamin C. Còn theo Đông y quả sấu lúc xanh có vị chua hơi chát, khi quả chín có vị chua, ngọt, tính mát, có công năng tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm, sử dụng trị nhiều bệnh như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, nôn do thai nghén, say rượu, tăng cường tiêu hóa…
Quả sấu
Đơn thuốc chữa bệnh có sử dụng quả sấu:
Trị các chứng nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng: 4-6g cùi quả sấu khô đem sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn sáng. Hoặc 8g cùi quả sấu hãm với nước sôi uống trong ngày. Dùng trong một tuần liền. Hoặc có thể lấy cùi quả sấu chín đem dầm với muối hay đường ăn trong ngày.
Chữa nôn do thai nghén: Quả sấu xanh nấu với cá diếc hoặc thịt vịt. Cách chế biến: Cá diếc 2 con, moi ruột, rửa sạch để ráo nước, ướp gia vị, đem nấu với 2 bát nước, khi nước sôi cho khoảng 1-3 quả sấu đã nạo vỏ, đun trong 7-10 phút bắc ra rồi dầm sấu, nêm gia vị cho vừa ăn. Ăn lúc nóng hoặc có thể thay canh ăn với cơm. Mỗi tuần nên ăn khoảng 3-5 lần.
Chữa ho: Cùi quả sấu tươi 15g, ngâm với ít muối, ngày ngậm 3-5 lần, tốt nhất nên ngậm vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Hoặc cùi sấu 25g sắc với 250ml nước còn 100ml, chia làm 2 lần uống, khi uống cho thêm đường. Uống trong 3 ngày.
Giải rượu: 10g cùi sấu đem hãm với nước sôi để uống, cách 30 phút lại uống một lần.
Tăng cường tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng: 200g quả sấu tươi đã cạo vỏ đem hấp với đường, khi dùng pha với nước uống trong ngày. Ngày uống 2-3 lần. Hoặc có thể dùng quả sấu để nấu canh chua với thịt nạc băm hoặc thái miếng nhỏ mỏng, món này vừa dễ làm, bổ dưỡng có tác dụng thanh nhiệt và kích thích tăng cường tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng.