Thuốc nam được chia thành nhiều nhóm dựa vào tác dụng điều trị bệnh. Ví dụ như: nhóm thuốc chữa đau nhức xương khớp, nhóm thuốc nam bổ xương khớp, nhóm thuốc ho, nhóm thuốc chữa mụn nhọt….
Ở bài này ta tìm hiểu về thuốc nam bổ xương khớp:
Trước tiên cần tìm hiểu thuốc nam là gì?
Thuốc nam được định nghĩa là các cây mọc tự nhiên trên đất nước Việt Nam, có tác dụng điều trị bệnh cụ thể và có hiệu quả trên đối tượng bệnh. Tuy nhiên không phải loại cây nào cũng có tác dụng điều trị bệnh. Những cây thuốc nam đã được nghiên cứu và phân tích về cả bộ phận sử dụng, đặc điểm cây thuốc, thành phần hóa học, và công dụng của thuốc. Những vị thuốc này có trong “danh mục cây thuốc nam”.
Thuốc nam bổ xương khớp được định nghĩa như thế nào?
Là các vị thuốc mọc trên đất nước Việt Nam được nghiên cứu là có tác dụng cụ thể lên xương khớp, ở đây nói tới tác dụng bổ xương khớp. Sử dụng các vị thuốc nam bổ xương khớp có tác dụng: giảm đau nhức xương khớp, mạnh gân cốt, thông kinh hoạt lạc.
Một số vị thuốc nam bổ xương khớp như:
Ngũ gia bì chân chim:
Trong dân gian còn được gọi là cây đáng, cây lá lằng, cây ngũ gia bì. Bộ phận sử dụng: vỏ thân hoặc vỏ rễ. Ngũ gia bì chân chim có vị đắng chát, tính mát. Quy kinh: can, thận. Chững các chứng bệnh như: đau nhức xương khớp, mạnh gân cốt, thông tiểu tiện, chữa cảm sốt… một vài bài thuốc nam bổ xương khớp có ngũ gia bì chân chim như:
Bài thuốc 1: Ngũ gia bì châm chim ngâm với rượu trắng, tỉ lệ 1:10, sau 1 tháng có thể sử dụng được. Ngày uống 2–3 lần, mỗi lần uống 1 chén nhỏ, uống ngay sau ăn.
Bài thuốc 2: Dùng 15–30g vỏ thân hoặc vỏ rễ cây ngũ gia bì chân chim, sắc nước uống trong ngày. Hoặc có thể phối hợp thêm với dây đau xương, rễ cỏ xước, liều lượng ngang nhau.
Thiên niên kiện:
Trong dân gian còn gọi là cây sơn thục, thần phục. Bộ phận sử dụng: thân rễ. Thiên niên kiện có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm. Quy kinh: can, thận, vị. Dùng để chữa các chứng như: đau nhức xương khớp, bổ xương khớp, chữa đau dạ dày, kích thích tiêu hóa…một số bài thuốc nam bổ xương khớp có thiên niên kiện như:
Bài thuốc 1: Dùng 10–15g thiên niên kiện sắc nước uống trong ngày.
Bài thuốc 2: Dùng thiên niên kiện ngâm với rượu trắng với tỉ lệ 1:10, có thể phối hợp thêm với các vị thuốc như: cỏ xước, thổ phục linh. Sau 1 tháng có thể sử dụng được. Dùng để uống ngày 2–3 lần, mỗi lần uống 1 chén nhỏ, uống sau ăn. Có thể dùng để xoa bóp gân cốt.
Cỏ xước:
Trong dân gian còn gọi là: bách hội, ngưu kinh, thiết ngưu tất. Bộ phận sử dụng: rễ cây. Cỏ xước có vị đắng, chua, cay, tính bình. Quy kinh: can, thận. Dùng để chữa các chứng bệnh như: đau nhức xương khớp, bổ xương khớp, hạ huyết áp, hạ mỡ máu, viêm phế quản… một số bài thuốc nam bổ xương khớp có vị cỏ xước như:
Bài thuốc 1: Dùng độc vị cỏ xước sắc nước uống hàng ngày.
Bài thuốc 2: Dùng cỏ xước phối hợp với các vị thuốc khác như: hy thiêm, thổ phục linh, ké đầu ngựa… sắc chung lấy nước uống trong ngày.
Ké đầu ngựa:
Trong dân gian còn gọi là: thương nhĩ tử, xương nhĩ. Bộ phận sử dụng: quả của cây ké đầu ngựa. Ké đầu ngựa vị nhạt đạm, đắng, tính ấm. Quy kinh: phế, can, thận. Dùng để chữa các chứng bệnh như: đau nhức xương khớp, làm mạnh gân cốt, tiêu viêm, giải độc, ho suyễn… một số bài thuốc nam bổ xương khớp có ké đầu ngựa như:
Bài thuốc 1: Dùng 10–15g ké đầu ngựa sắc nước uống trong ngày.
Bài thuốc 2: Kết hợp ké đầu ngựa với lá lốt, vòi voi, cỏ xước liều tương đương tán vụn hãm với nước sôi hoặc sắc nước uống trong ngày.
Mỗi vị thuốc đều có một công dụng riêng, và đáp ứng trên người bệnh không giống nhau. Vì vậy người bệnh cần lựa chọn vị thuốc phù hợp để điều trị bệnh xương khớp hiệu quả nhất.