Thừa hưởng bài thuốc quý trị tiểu đường ông nội truyền lại, ông Trần Đình Tuấn đã cứu chữa thành công cho hàng trăm ca bệnh tiểu đường.


Bài thuốc này xuất phát từ đồng bào dân tộc Xơ Đăng, gồm những thảo dược quý hiếm từ núi rừng Tây Nguyên. Theo thời gian, nguồn thảo dược dần khan hiếm, ông Tuấn (SN 1962, ở thôn An Lạc 1, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) lại mày mò tìm kiếm các vị thuốc thay thế có công dụng tương tự để bài thuốc không bị thất truyền.

Cơ duyên với bài thuốc quý

Vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông Trần Đình Tuấn sống trong vòng tay bảo bọc, che chở của ông bà nội. Lớn lên ở mảnh đất nghèo khó và nhiều bom đạn của chiến tranh nhưng ông Tuấn vẫn cố gắng học lấy cái chữ để làm gương cho con cháu đời sau. Năm 1990, ông Tuấn theo ông nội (cụ Trần Phước – SN 1920) đi làm thợ mộc ở các tỉnh Tây Nguyên kiếm tiền phụ giúp gia đình. “Đợt xẻ gỗ làm nhà rông cho đồng bào Xơ Đăng tại làng Cúc (tỉnh Gia Lai), ông nội tôi phát hiện bị tiểu ngọt (tiểu đường) nên người yếu đi hẳn. Thấy vậy, già làng ở đó đã lên rừng hái lá, sắc thuốc cho ông uống. Chẳng biết những loại cây rừng ấy là gì nhưng hơn hai tháng sau, bệnh tình của ông tôi thuyên giảm rõ rệt”, ông Tuấn nhớ lại.

Để trả ơn cứu mạng của đồng bào Xơ Đăng, hai ông cháu nhất quyết không lấy tiền công làm nhà. Cảm mến sự thật thà, chăm chỉ của hai ông cháu, già làng đã truyền lại nguyên gốc bài thuốc trị chứng tiểu ra đường. Sau này khi về quê, cụ Phước nhiều lần tái phát bệnh đều tự hái thuốc chữa trị. Năm 2005, ông Tuấn được ông nội truyền lại công thức bài thuốc. Biết ông nội rất tâm huyết với bài thuốc Nam này nên ông ra sức miệt mài học hỏi, lên rừng hái thuốc, chọn cây, phơi sao, ghi nhớ kỹ liều lượng.

Bài thuốc của người dân tộc chữa khỏi hàng trăm ca tiểu đường

Năm 2008, ông bắt đầu theo nghề bốc thuốc và chỉ chữa tiểu đường, lúc đầu là chữa cho bà con lối xóm, rồi đến nhân dân trong xã, huyện. Thuốc uống giảm bệnh, tiếng lành đồn xa nên bệnh nhân từ các huyện trong tỉnh cũng nườm nượp kéo về. Không những thế, nhiều người ở tận TP.HCM, Hà Nội, Đà Lạt, Kiên Giang… cũng tìm đến ông nhờ chữa bệnh. Đến nay, thuốc của ông Tuấn đã chữa khỏi bệnh cho hàng trăm bệnh nhân trong và ngoài tỉnh. Những năm gần đây, nhiều bệnh nhân tìm đến nhờ chữa trị nhưng số lượng thảo dược trong nhà có hạn nên ông không giúp được nhiều. Nhìn người bệnh lặn lội hàng trăm cây số đến nơi nhưng lại về tay không, ông vô cùng áy náy. Vậy là, ông lại lặn lội lên rừng tìm thuốc.

Ông cho biết: “Bài thuốc của đồng bào Xơ Đăng độc đáo là ở những vị thuốc và cách kết hợp chúng. Công thức thì từ lâu tôi đã khắc ghi trong lòng. Cái khó là những cây thuốc ấy chỉ có ở những vùng núi cao Tây nguyên, muốn tìm kiếm không dễ chút nào. Tôi thường lặn lội lên tận vùng núi giáp ranh Bình Định – Gia Lai tìm kiếm nhưng cũng không được nhiều. Trong quá trình tìm hiểu về Đông y, tôi nhận thấy rằng, bệnh tật trời sinh, cây cỏ cũng trời sinh, nên phải lấy cây mà trị bệnh. Tôi đã học được bài thuốc thì chữa bệnh cứu người phải là cái nghiệp, dù khó khăn đến mấy cũng không được để thất truyền bài thuốc quý”.
Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học về Đông y của ông Tuấn do Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam cấp.

Bệnh thuyên giảm sau nửa năm dùng thuốc

Về việc hành nghề chữa bệnh của ông Tuấn, ông Lê Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa xác nhận: “Xã Mỹ Hòa có 12 hộ dân bốc thuốc chữa bệnh, ông Tuấn cũng là một trong số đó. Ông Tuấn không chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan, không gây mất an ninh chính trị xã hội. Bệnh nhân đến nhà ông Tuấn lấy thuốc mang về chứ không lưu trú, tụ tập đông người nên không gây ảnh hưởng gì đến trật tự ở địa phương. Ông Tuấn cũng đã trình đủ các loại chứng chỉ để hành nghề y theo như quy định của pháp luật”.

Ông Tuấn cho biết, bài thuốc trị tiểu đường của đồng bào Xơ Đăng có gần chục vị, trong đó phân nửa là thảo dược lấy từ Tây Nguyên với các tên gọi theo tiếng dân tộc. Vài năm gần đây, các loại thảo dược này ngày càng khan hiếm. Để duy trì được công việc chữa bệnh cứu người, ông Tuấn phải ngược xuôi lên Tây Nguyên tìm thuốc. Ông lên các bản làng nhờ đồng bào đi tìm và gửi xuống rồi trả tiền công cho họ. Hiện tại công việc vận chuyển thuốc được con gái của ông hiện đang sống tại Gia Lai phụ giúp.

Nhận thấy việc tìm thuốc như vậy khiến công việc trở nên bị động, ông Tuấn nghĩ tới việc tìm kiếm các thảo dược thay thế. Các vị thuốc này chẳng những phải có ở miền xuôi mà yêu cầu bắt buộc phải có công dụng tương tự các thảo dược trên cao nguyên. Để làm được điều này, ông Tuấn đã phải ròng rã tìm kiếm cả năm trời. “Có loại cây thuốc chỉ có đặc điểm gần giống thôi nên sau khi lấy về nhà tôi phải sơ chế kĩ, bảo quản trong điều kiện thích hợp thì mới phát huy cái lợi và loại bỏ cái hại của vị thuốc…”, ông Tuấn cho biết.

Sau khi lấy thảo dược về, ông Tuấn trực tiếp sơ chế từng loại cây, rễ. Tùy vào thể trạng, tình trạng bệnh mỗi bệnh nhân mà ông có cách pha trộn thuốc theo nhiều tỷ lệ khác nhau. Tuy có sự thay đổi dược vị, liều lượng nhưng bài thuốc trị tiểu đường của ông gồm chủ yếu một số vị sau: Dây khổ qua rừng (mướp đắng): Cả dây và lá thái thành đoạn, khoảng 15g. Cây bồ ngót: Cả cành và lá thái thành lát mỏng, khoảng 20g. Dây xấu hổ (trinh nữ): Cả cành lá và rễ thái thành đoạn, khoảng 15g. Lá lốt: Cả cành và lá, thái thành đoạn, khoảng 10g. Dây lạc tiên: Cả cành lá và rễ thái thành đoạn, khoảng 20. Dây lưỡi đồng: Cả cành lá và rễ thái thành đoạn, khoảng 20g. Tất cả đều được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, trộn đều, cho vào 4 chén (bát) nước giếng, đun sôi nhỏ lửa còn lại 1 chén, uống 1 lần vào buổi sáng trước khi ăn. Nước 2 cho vào 3 chén nước, đun sôi nhỏ lửa còn lại 0,8 chén, uống vào buổi trưa trước khi ăn. Nước 3 cho vào 2 chén nước, đun sôi nhỏ lửa còn lại 0,6 chén, uống vào buổi tối trước khi ăn.

Cụ thể với những bệnh nhân sức khỏe yếu, ông Tuấn cho nhiều vị thuốc có công dụng bồi bổ. Với những người mạnh khỏe thì có thể cho thêm nhiều vị thuốc trị bệnh. “Bài thuốc này làm giảm bớt các triệu chứng khó chịu, cải thiện thể trạng cho người bệnh và ngăn ngừa những biến chứng do tiểu đường gây ra. Đồng thời, nó giúp đào thải độc tố trong tuyến tụy, cung cấp những dưỡng chất bổ sung cho tuyến tụy giúp tuyến tụy được hồi phục và hoạt động trở lại bình thường Tác dụng hạ đường huyết của các vị thuốc chỉ có giới hạn, tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà có cách dùng thuốc thích hợp. Vì đặc điểm căn bệnh, bệnh nhân thông thường phải mất đến nửa năm dùng thuốc mới có dấu hiệu thuyên giảm. Trong quá trình dùng thuốc người bệnh kiêng ăn uống đồ ngọt và phải thường xuyên theo dõi nồng độ đường trong máu để điều chỉnh phù hợp”, ông Tuấn cho biết.

Về bài thuốc trị tiểu đường của ông Tuấn, lương y Phó Hữu Đức, Chủ tịch Hội Đông y Cầu Giấy (Hội Đông y Hà Nội) cho biết: “Bài thuốc này có một số vị có tác dụng trong việc điều trị tiểu đường. Trong đó, tác dụng mạnh nhất là dây khổ qua rừng. Đây là loại cây mọc tự nhiên ở nhiều vùng rừng núi nước ta. Theo Đông y, mướp đắng tính hàn, vị đắng, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc. Theo y học hiện đại, mướp đắng có tác dụng diệt vi khuẩn và virus, chống lại các gốc tự do là nguyên nhân gây lão hóa và phát sinh các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tổn thương thần kinh, viêm đường tiết niệu, bệnh tiểu đường…; có tác dụng sinh học giống insulin, giúp cơ thể tăng tiết insulin, rất tốt với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Cây bồ ngót cũng được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Nam điều trị đái tháo đường. Còn các vị còn lại như lá lốt, dây mắc cỡ, dây lạc tiên… có tính hàn, giải độc, tiêu viêm. Có lẽ ông Tuấn sử dụng các vị thuốc này để điều trị các biến chứng cho bệnh nhân tiểu đường”.

(0)

Khổ qua, còn gọi là mướp đắng, có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo đông y, mướp đắng tính hàn, vị đắng, không độc, nếu được dùng thường xuyên sẽ giúp giảm các bệnh ngoài da, làm cho da dẻ mịn màng.
Theo y học hiện đại, mướp đắng có tác dụng diệt vi khuẩn và virus, chống lại các tế bào ung thư, hỗ trợ đắc lực cho bệnh nhân ung thư đang chữa bằng tia xạ. Ngoài ra, mướp đắng còn có các tác dụng dược lý sau:

– Chống các gốc tự do là nguyên nhân gây lão hóa và phát sinh các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tổn thương thần kinh, viêm đường tiết niệu, tiểu đường…

– Tăng ôxy hóa glucose, ngăn chặn sự hấp thu glucose vào tế bào, ức chế hoạt tính các men tổng hợp glucose.

– Có tác dụng sinh học giống insulin, giúp cơ thể tăng tiết insulin, rất tốt với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.

Trong khi đó, khổ qua rừng rất tốt cho người bị bệnh tiểu đường. Khổ qua rừng mọc tự nhiên ở nhiều vùng rừng núi nước ta. Theo y học cổ truyền, khổ qua rừng có vị đắng, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, trừ phiền, trừ đờm, cắt cơn ho trong bệnh phổi…

Dân gian từ lâu đã lấy lá non khổ qua rừng làm rau ăn, toàn thân rễ lá làm thuốc trấn ban cho phụ nữ thời kỳ sinh nở. Nước sắc dây khổ qua rừng có tác dụng giải độc, dùng phòng trừ bệnh uốn ván cho phụ nữ sau khi sinh hoặc sẩy thai.

Khổ qua rừng có thể dùng cả dây, rễ, lá, quả rửa sạch, phơi khô, sắc uống. Có thể uống lâu dài, hoàn toàn không kỵ thuốc tây. Dùng cả trái khổ qua rừng chế biến nhiều món ăn càng tốt, giúp ổn định đường huyết.

Khổ qua rừng rất tốt cho sức khỏe. Gần đây, ở một số nơi, người ta đem khổ qua rừng về đồng bằng trồng thành sản phẩm thương mại như một loại sau sạch tự nhiên. Khổ qua rừng rất dễ trồng, lấy hạt về gieo tự nhiên, có nước là cây lên rất tốt. Đọt khổ qua rừng đã thành món đặc sản ở các nhà hàng. Người ta có thể chế biến lẩu cá chép, mè, diêu hồng, tôm nấu đọt khổ qua rừng. Riêng cá rô đồng nấu với đọt khổ qua rừng là món nên thuốc đặc biệt.

Các món nấu với đọt khổ qua rừng có vị đắng, ban đầu hơi khó ăn nhưng dùng quen cảm thấy ngon tuyệt. Hiện nay, chợ cũ Long Khánh, tỉnh Đồng Nai mỗi sáng đều có nhiều người bán đọt khổ qua rừng với giá hơn 15.000 đồng/kg, trong khi mỗi bó rau muống chỉ khoảng 2.000 đồng, đủ thấy “danh tiếng” của vị thuốc khổ qua rừng.

Bệnh tiểu đường rất phức tạp, người bệnh phải sống chung với nó suốt đời, kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh này có thể dùng thử thuốc nam (như khổ qua rừng, dứa, nụ vối hay vài loại thuốc khác) nhưng phải có bác sĩ chuyên khoa về tiểu đường theo dõi định kỳ, kiểm tra đường huyết. Nếu dùng thuốc nam không hiệu quả, phải sử dụng thuốc tây để kéo giảm đường huyết, sau đó dùng thuốc nam điều trị hỗ trợ.

(0)